Vì sao trẻ em phải chạy đua với việc học? |
Trẻ con là những thiên thần của bố
mẹ, những mầm non của xã hội. Trẻ con như lộc biếc trên cây, nó cần phát triển
tự nhiên mới khỏe mạnh, xinh tươi. Tuổi mầm non thì vui chơi, nhận biết thế giới
xung quanh, tuổi đi học thì bắt đầu học chữ. Tuổi nào việc nấy mới đúng với tự
nhiên của sự phát triển. Không phải ngẫu nhiên luật qui định trẻ con 6-7 tuổi mới
được học lớp 1.
Thế khó cho cả hai bên: Nhiều bậc phụ huynh cũng thấy điều đó chứ không phải họ u tối hành động theo đám đông. Như chị Dạ Thảo nhà ở Q1 là một ví dụ “trước khi con vào học lớp 1, anh chị kiên quyết không cho con đi học thêm dù chỉ một chữ”. Chị còn “áp dụng đúng lý thuyết của các bác giáo dục khuyên trẻ không nên cho các cháu học trước”, nhưng cuối cùng phải thốt lên “thưa các bác giáo dục: em xin chừa!” vì “thằng nhỏ nhà chị đọc kém, viết kém nhất nhất lớp, không theo kịp chúng bạn”. (Vietnamnet, ngày 8/10/2011). Đây không chỉ là tình thế của chị Thảo mà gần như tất cả mọi người nếu không tham gia cuộc đua vô nghĩa này.
Thế khó của phụ huynh là vậy, còn thế khó của giáo viên. Chúng ta thường cho rằng giáo viên vì muốn kiếm tiền thêm nên mới ép học sinh đi học là thủ phạm gây ra việc này. Điều này là có, thực tế cuộc sống với áp lực “cơm áo, gạo tiền” là có. Người giáo viên cũng có động lực kiếm tiền như bao người khác trong cuộc sống. Tuy nhiên nếu có giáo viên không muốn tham gia vào cuộc chơi o ép học sinh, không dạy thêm thì họ cũng khổ như vị phụ huynh trên. Bỡi lẽ họ sẽ bị khiển trách, bị mất thi đua khi trong lớp có học sinh kém. Cho nên nhiều cô giáo lại gọi điện năn nỉ: “Xin chị hãy thương em. Hay là mỗi tuần cho em đến kèm thêm con chị tại nhà, em không lấy tiền dạy kèm đâu, chỉ mong là rèn thêm cho cháu, chứ nếu không em sẽ bị khiển trách vì có học sinh học kém chị ạ” (Nguồn Vietnamnet). Tôi biết nhiều giáo viên không muốn mang tiếng là “sát thủ học trò”, không ép học trò học, cố gắng thu vén cuộc sống với đồng lương ít ỏi cũng cảm thấy bất lực và khổ tâm. Đó là chưa nói trường hợp nhiều khi phụ huynh lại năn nỉ dạy trước cho con mình.
Không thể chỉ kêu gọi sự ý thức. Đồng ý rằng con người là sinh vật có ý thức, ý thức đưa đến hành động, hành động tạo ra kết quả. Tuy nhiên, chúng ta không phải là từng cá nhân tồn tại độc lập. Chúng ta dệt nhau trong một tấm lưới xã hội và phụ thuộc vào nhau. Giải pháp kêu gọi ý thức phụ huynh không cho con đi học sớm, kêu gọi lương tâm trách nhiệm của giáo viên là không dạy thêm trong suốt thời gian qua là không hiệu quả. Chúng ta cần suy nghĩ đến giải pháp khoa học hơn, căn bản hơn, ở tầm cao hơn. Đó là tính hệ thống của vấn đề.
Không chống lại được hệ thống: Chúng ta có một bài học về lỗi hệ thống rất đắt giá. Chúng ta từng tin rằng hệ thống mậu dịch quốc doanh sẽ mang lại trật tự công bằng cho người bán và người mua, tránh tình trạng tư thương vì lòng tham mà mua ép giá bên bán và bán giá cao cho người dân. Đây là một ý tưởng tốt hướng đến phục vụ nhân dân. Tuy nhiên đó là một hệ thống sai. Nó làm mệt mỏi cho cả bên bán lẫn bên mua. Nó ì ạch trì trệ và sinh ra rất nhiều trục trặc. Các thành phần tham gia vào hệ thống này đều có xu hướng gian dối, làm không nhiệt tình, không có tinh thần phục vụ “nhân dân”. Lãnh đạo thấy được vấn đề, triển khai nhiều thay đổi mang tính chi tiết như kỷ luật mậu dịch viên, tuyển chọn mậu dịch viên gắt gao hơn, tăng cường giáo dục tư tưởng đạo đức, mở chiến dịch vận động nêu gương… nhưng cuối cùng thất bại. Không có cách nào chống đỡ được một hệ thống như vậy để nó tốt hơn. Cuối cùng ta phải đổi mới thay nó bằng một hệ thống thương mại tự do quản lý bằng luật pháp.
Cải cách để giải phóng cho con cháu chúng ta: Những câu chuyện mệt mỏi một thời bao cấp đã trải qua của bố mẹ tôi lại ẩn hiện với những đứa cháu của tôi. Chúng đang phải “giao dịch” với các cửa hàng “mậu dịch quốc doanh” của chúng. Có thể nhiều người cho rằng tôi nói hơi quá và cực đoan, chỉ thấy cái xấu, cái hạn chế, thấy một số ít tiêu cực bất cập chứ chưa thấy công lao ngành giáo dục bao năm qua. Điều họ nói không phải là không có lý. Tuy nhiên tư duy và giải pháp tôi hướng đến là nắm bắt qui luật lớn chi phối để có thể dựa vào qui luật sửa chữa được vấn đề một cách căn bản chứ không phải hướng đến từng chi tiết nhỏ. Rõ ràng hai hệ thống mậu dịch quốc doanh và giáo dục quốc doanh đều bị chi phối bỡi một nét giống nhau đó là tính phi thị trường, dịch vụ do nhà nước cung ứng.
Cần sống hợp qui luật của tạo hóa: Con người dù là sinh vật có trí tuệ thông minh nhưng chúng ta không thể tạo ra một hệ thống bằng ý chí và sống trong đó được. Chúng ta cần phải sống hợp với qui luật của tạo hóa. Ta thấy có nhiều qui luật như vậy tác động đến chúng ta như trọng lực, môi trường thời tiết… Con người càng văn minh càng hiểu biết qui luật và sống hợp qui luật.
Thị trường cứu rỗi chúng ta: Thị trường không xấu, nó là một cơ chế tốt nhất bảo đảm các giao dịch sống của con người. Nó làm cho con người không phải tranh nhau những điều mình không muốn, không thích, không có lợi. Thị trường bảo đảm chúng ta tự do lựa chọn cái có lợi cho mình. Một thị trường giáo dục mạnh sẽ làm cho các bên đều thỏa mãn. Người dạy có đồng lương xứng đáng mà không phải tìm cách kiếm thêm làm lương tâm đau khổ. Người học chỉ cần học khi mình cần, nơi nào không đáp ứng điều đó thì sẽ chuyển đi nơi khác.
Tất nhiên là thị trường nào cũng phải có sự quản lý của nhà nước và nhà nước quản lý bằng luật pháp chứ không phải làm thay. Nhà nước có thể luật hóa một số chương trình khung bắt buộc. Nhà nước chuyển tất cả chi phí hiện nay như đầu tư, vận hành ngành giáo dục… sang chi phiếu để cấp phát hỗ trợ người nghèo học. Bộ giáo dục chỉ là cơ quan cầm còi cho các đội bóng trên sân chơi giáo dục thay vì vừa cầm còi, vừa đá bóng hiện nay. Chỉ có như vậy chúng ta mới có những đội bóng mạnh như MU, Cheasea, Barcelona… với các cầu thủ tỷ phú mà khán giả lại thích xem; thay vì những đội bóng nhà quê lẹt đẹt, cầu thủ nghèo khó, chuyên lo bán độ, vé bán rẻ như cho nhưng công chúng ngao ngán.
Kết luận:
Nếu chúng ta kém hiểu biết về qui luật kinh tế thị trường chúng ta sẽ làm khổ nhau. Chúng ta cần làm cho toàn dân thấy rõ giáo dục cũng phải tuân theo qui luật kinh tế thị trường, cũng phải hoạt động đúng nguyên tắc kinh tế thị trường thì mới có nền giáo dục mạnh. Và vai trò của nhà nước là người trọng tài quản lý bằng luật chứ không phải làm thay.
Lực cản lớn nhất để chúng ta tiến hành cải cách giáo dục đúng hướng là chúng ta thiếu hiểu biết về thị trường giáo dục. Chúng ta bị quán tính phi thị trường chi phối quá mạnh. Từ người dân và chính phủ vẫn chưa có dấu hiệu sẵn sàng cho cơ chế thị trường trong ngành giáo dục.
Nguyễn Văn Thạnh
Bài viết được đăng trên báo giáo dục với tiêu đề do tòa soạn đặt lại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét