Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Phạt xe không chính chủ là trái với hệ thống nhà nước pháp quyền

Luật làm cuộc sống thuận lợi chứ không phải làm khó nhau
1. Những lý lẽ đều đúng của các bên:
Thời gian qua trên các diễn đàn thường xuyên nóng lên chuyện phạt xe “không chính chủ” (chưa sang tên đổi chủ). Rất nhiều ý kiến đa chiều đã thể hiện đồng tình có (nhưng rất rất ít), phản đối có (đại đa số).
Bên ủng hộ  cho rằng: quốc pháp phải nghiêm, qui định là phải thực thi và tất nhiên phải có xử phạt thì người dân mới thức hiện. Không có luật pháp nào mà không có chế tài kèm thêm xử phạt. Thực hiện nghiêm điều trên còn để chống thất thu thuế cho nhà nước vì tệ giao dịch buôn bán ngầm, đồng thời chống nạn tội phạm trộm cướp xe máy. Lý lẽ đưa ra tất nhiên là rất có lý.
Bên phản đối cho rằng xử như vậy rất không thực tế vì tình trạng mượn xe nhau khá phổ biến. Hơn nữa lỗi khiến xe “không chính chủ” nhiều như vậy là do chính 1 quy định “chẳng giống ai” từ các cơ quan chức năng trước đây??? Nói chung với những thực trạng vẫn đang tồn tại ở nước ta như vậy, cuộc sống đã đầy rắc rối khiến người dân mệt mỏi lại càng nặng nề hơn để luôn làm được theo đúng luật.
Một loạt hiện tượng tồn tại trong xã hội như mua xe chưa sang tên qua một loạt đời chủ, nay chủ gốc chết hoặc không thể tìm thấy thì làm sao? Rồi một số vấn đề rất “dân gian” như dân "lách luật" nhờ người khác đứng tên hộ, rồi nguy cơ bị nhũng nhiễu nhiều hơn từ lực lượng xử phạt….Nói chung cũng rất có lý. Tóm lại là đa số người dân vẫn rất lo lắng mình rất dễ  bị chặn xe xử lý, bị làm phiền nên mới đồng loạt phản đối như vậy.
Và có một vị am hiểu luật pháp, chịu khó tra cứu, còn cho rằng không có điều luật nào qui định xử phạt, do vậy phạt xe chính chủ là….phạm luật. Rồi có người lại cho rằng phạt xe chính chủ là đúng luật. Lý lẽ của hai vị này cũng đều… rất có lý.
Có lẽ là trước sức  ép của công luận và cảm nhận tính khả thi, cuối cùng ngành chức năng đã có một số điều chỉnh như: một mặt ra nghị định tạo điều kiện hơn cho việc hợp thức hóa giấy tờ, một mặt chưa đưa việc xử phạt vào nghị định mới. Nhưng phía Công an vẫn bảo lưu qui định xử phạt.
Tình hình thật là đã rối càng thêm phức tạp!
2. Luật pháp là để phục vụ cuộc sống tốt hơn:
Để có thể giải quyết được bế tắc này, chúng ta cần tìm về những cái “gốc cổ xưa” của vấn đề. Có một câu hỏi cũng cổ xưa là “luật pháp được làm ra để làm gì?” Rõ ràng là để làm cho cuộc sống tốt hơn! Tôi nghĩ cũng có thể coi điều đó phần nào giống như câu hỏi tại sao bạn mua sắm món hàng này? Vì nó làm cho cuộc sống bạn tốt hơn. Nếu mua nó để làm cho mình mệt thì tốt nhất là không mua, có lỡ mua thì cũng nên vứt bỏ.
Theo tôi, luật pháp cũng vậy, tuy nhiên có phần phức tạp hơn chút. Một điều luật nào cũng luôn có hai điều “tiện” và “bất tiện” tức "lợi" và "hại". Ví dụ qui định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy rõ ràng cũng gây ra khá nhiều bất tiện, nhưng cái lợi là bảo đảm được an toàn, bảo đảm xã hội không tốn nhiều chi phí để lo cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông. Nên dù còn thấy có những bất tiện nào đó, xã hội vẫn ủng hộ.
Một đặc tính của cuộc sống là tính thực tế, tính thuận lợi. Ông bà ta đã có câu: nước trong quá có khi cá lại không sống được. Vấn đề nào cũng nhất nhất dùng luật pháp thì cuộc sống có khi lại không thể vận hành trơn tru, thuận lợi. Có những việc nếu lý luận logic theo luật là hợp lý, nhưng nếu áp dụng theo luật thì thiệt hại hơn so với tự cuộc sống điều chỉnh.
Ví dụ để bảo đảm giao dịch không bị gian lận thì bất cứ ai nhận tiền đều phải ghi biên lai, nhưng không ai đi máy móc làm tất cả như vậy trong cuộc sống. Tôi cho bạn tôi mượn 1 triệu, tôi có thể cần biên lai hoặc không. Đó là tính uyển chuyển của cuộc sống. Lợi hơn thì làm.
Khi người dân mua bán xe, nếu họ thấy cần xác lập quyền chính chủ để bảo đảm tính pháp lý cho tài sản, tránh các rắc rối pháp lý có thể có thì họ sẽ sang tên đổi chủ. Nhưng nếu họ thấy để vậy lợi hơn, thì tôi nghĩ là cũng nên tôn trọng. Rõ ràng con người luôn hành động theo quyền lợi. Nếu quá trình đăng ký rắc rối, mệt mỏi nhưng khi mất xe cũng không hy vọng cơ quan công an tìm lại được, thì đi đăng ký chuyển tên làm gì?
3. Luật pháp trong hệ thống nhà nước pháp quyền:
Trong nhà nước pháp quyền, luật pháp không đến từ người nắm quyền mà đến từ xã hội. Các chủ thể xã hội cần luật pháp để các giao dịch của họ được bảo đảm. Họ sẽ ủy quyền để chính quyền nắm giữ và thực thi. Việc gì họ tự thỏa thuận được thì nên để họ thỏa thuận, họ tự biết là cái gì có lợi hơn. Chính vì điều này mà có những vụ án tòa chấp nhận cho các đơn sự rút đơn để tự thỏa thuận, chứ không cứ nhất nhất phải mang ra xét xử.
Và điều nữa là các qui định cuối cùng cũng nhằm làm cho xã  hội tốt hơn, do vậy phải đạt được sự đồng thuận cao. Ví dụ như Chính phủ Mỹ muốn đưa ra dự luật SOPA và PIPA để chấm dứt nạn gian lận bản quyền. Tuy nhiên xã hội vẫn chưa có sự đồng thuận. Phân tích thấy thiệt hơn lợi, do vậy mà Tổng thống Obama đã hoãn dự luật.
Chúng ta rất ghét tệ ăn cắp, gian lận và nói chung là những điều xấu, tuy nhiên cũng phải chấp nhận sống trong XH không thể nào tránh có một ít “bụi trần”, chứ đâu có thể luôn là quá “sạch” được.
Điều nữa là trong nhà nước pháp quyền cần chuyên nghiệp các cơ quan ra qui định và thực thi qui định. Làm như vậy vừa bảo đảm tính chuyên nghiệp, vừa giám sát công việc của nhau. Quyền lực có giám sát và cân bằng luôn là điều tốt cho xã hội. Bộ Giao thông Vận tải ra qui định, Bộ Công an xử phạt. Hai bộ này đều thuộc Chính phủ thì tôi nghĩ là có nhiều khả năng chính phủ luôn muốn giành phần thuận lợi về cho mình. Trách nhiệm bảo đảm trật tự xã hội, chống trộm cắp xe phải là nghiệp vụ của Công an. Công an phải có tinh thần phục vụ, không nên bắt người dân tuân thủ qui định do họ đưa ra nhằm bảo đảm công việc họ được tốt, trong khi phần bất tiện thì người dân chịu!!!
4. Câu chuyện xe không chính chủ:
Việc xử phạt xe không chính chủ cũng giống như “nước trong quá có khi cá lại không sống được”. Không dễ gì xác định được xe đang mượn hay xe mua bán mà chưa sang tên đổi chủ. Để xác định cái này cho đúng thì sẽ rất mệt cho cả công an và người dân. Và nếu muốn qua loa cho nhanh để còn thời gian đi làm ăn, thì dân lại càng tăng nguy cơ phải đút lót.
Trong hệ thống đúng: Luật bắt đầu từ cuộc sống, và phục vụ cho cuộc sống!
Nguyễn Văn Thạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét