Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Bình ổn giá là chống lại qui luật kinh tế thị trường


Nên giữ tiền bình ổn giá trong ví mình
1. Hệ thống kinh tế thị trường:
Bây giờ mà còn bàn về kiến thức kinh tế thị trường thì có vẻ dông dài và thừa. Tuy nhiên tôi cũng sẽ điểm lược qua. Hệ thống kinh tế thị trường là một hệ thống to lớn, phức tạp bao gồm rất nhiều ngành nghề, dịch vụ,…bất cứ cái gì con người cần đều có người làm cung ứng. Tất cả các chủ thể tham gia kinh tế có động lực là lợi nhuận. Các chủ thể kinh tế dùng tiền để trao đổi với nhau, chúng quan hệ với nhau qua hệ thống giá. Lợi nhuận vừa là mục đích vừa là tín hiệu hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Nguyên tắc kinh tế thị trường là sự sòng phẳng.

2. Vai trò của nhà nước:
Lợi nhuận là động lực của các chủ thể tham gia kinh tế thị trường. Lợi nhuận với công ty như hơi thể với cuộc sống. Có lợi nhuận là có tiền, sống như tiên; không có lợi nhuận là phá sản, sống bi thảm. Chính cuộc chơi khắc nghiệt này nên các chủ thể kinh tế có xu hướng gian dối, lừa đảo, gây hại nhau hoặc gây hại xã hội để có lời. Do vậy vai trò của nhà nước là vô cùng to lớn. Nhà nước sẽ đặt ra luật chơi công bằng, minh bạch, phân xử rốt ráo đề các chủ thể tham gia sân chơi kinh tế cạnh tranh nhau làm lợi cho mình, làm lợi cho xã hội chứ không phải hại nhau.
Nếu nhà nước ngoài việc làm trọng tài cầm còi phân xử, còn tham gia vào sân chơi thì chắc chắn sẽ làm cho cuộc chơi méo mó và bất công. Nếu ông trọng tài này lơ là nhiệm vụ cầm còi, ham đá bóng thì cuộc chơi còn tệ hơn nữa. Nguyên tắc này vừa căn bản, vừa đơn giản đến con nít cũng biết.
3. Ổn định hay thích nghi
Trong cuộc sống, ai cũng mong sự ổn định, xã hội không gì tốt bằng ổn định. Xã hội nhiễu loạn, kinh tế giao động là điều khổ cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, lý thuyết và thực tế cuộc sống cho ta thấy rằng không có gì là ổn định. Từ yếu tố thiên nhiên như: thời tiết, khí hậu, đất đai,…đến con người như: suy nghĩ, thị hiếu, nhu cầu,….hay yếu tố xã hội như: chính trị, chiến tranh, hòa bình,…đều thay đổi. Tất cả những yếu tối này sẽ tác động đến nền kinh tế và làm cho nó thay đổi. Sự biến thiên giá cả trong nền kinh tế thị trường là tất yếu như mưa và nắng. Không một ai, không một thế lực nào có đủ sức mạnh siêu nhân để làm cho nền kinh tế ổn định được. Vấn đề giao động trong nền kinh tế, chúng ta phải chấp nhận. Vận hành hệ thống kinh tế thích nghi sự thay đổi sẽ tốt hơn là cố giữ cho nó ổn định.
Sự biến thiên giá cả phản ảnh sự chuyển dịch các nguồn lực kinh tế trong thị trường. Sự biến thiên giá còn là tín hiệu cho hệ thống hoạt động. Việc làm ổn định giá không chỉ chống lại qui luật kinh tế mà còn làm mù tín hiệu trong hệ thống tự động. Biến hệ thống này thành người mù.
4. Chuyện công khai
Hiện nay nhiều người ủng hộ sự ổn định giá bằng một quĩ do nhà nước quản lý. Quỹ này giúp ổn định giá đầu ra; nó sẽ xả ra bù lỗ khi giá đầu vào tăng và thu vào khi giá đầu vào giảm. Mọi người đều cho rằng đây là một cơ chế tốt, chỉ cần nhà nước minh bạch, công khai là được. (Nhiều người ủng hộ sự can thiệp của nhà nước với yêu cầu công khai).
Để bàn luận về điều này, tôi xin kể một câu chuyện. Hồi còn là sinh viên, tôi sống chung với một người bạn có cha là một đảng viên gộc, liêm khiết và giáo điều. Ông có yêu cầu khắc khe là tiêu gì phải minh bạch ghi chép rồi gửi về cho ông, ông chỉ gửi tiền khi có sự minh bạch. Bạn tôi cuối tháng nào cũng làm một tờ sớ gửi cha. Tôi xem qua tờ sớ mà không khỏi buồn cười. Không biết bao nhiêu khoản trên trời dưới đất được ghi vào. Chỉ có người sống cùng mới biết chứ người cha dù có ba đầu sáu tay cũng không tìm ra vì rất logic và hợp lý. Nếu người chi tiêu, người kiểm tra, người quản lý cùng hội cùng thuyền thì “minh bạch” phỏng có ích gì?
Giao tiền bạc của mình cho người khác xài rồi yêu cầu minh bạch sổ sách là một tư duy “ngây thơ”. Hàng ngày các tập đoàn như dầu khí, điện,….chi tiêu hàng trăm tỷ đồng; công khai sổ sách thì liệu ai biết khoản nào đúng, khoản nào sai? Ai đủ sức và lòng nhiệt tình để đi kiểm tra?
Lòng tham và khả năng luồn lách của con người chỉ có cơ chế thị trường mới chế tài, quản lý được; không có cách thức hay sổ sách nào quản lý nổi. Hãy nhớ lấy điều này.
5. Hãy giữ tiền bình ổn trong túi mình
Tiền bình ổn giá từ đâu mà ra? Rõ ràng là không phải từ trên trời rơi xuống hay từ chính phủ thương dân mà là từ khách hàng. Khi giá đầu vào giảm, lẽ ra giá bán giảm thì công ty lại giữ giá cao, phần tiền lời vượt mức được trích ra cho vào quỹ bình ổn. Rồi khi giá thế giới tăng lại lấy số tiền bình ổn đó bù vào để không tăng giá. Như vậy tiền ta lại dùng cho ta. Tại sao không để tiền đó trong túi ta để ta tự bình ổn mà giao cho công ty xăng dầu giữ?
Qui trình bình ổn này còn tạo ra bất công khi số người mua trong thời điểm giá cao và thấp là khác nhau. Ví dụ khi xăng dầu giá cao, tôi dùng nhiều xăng dầu là gửi tiền bình ổn nhiều, khi giá giảm vì một lý do nào đó tôi lại mua ít xăng dầu, điều này có nghĩa là tiền bình ổn của tôi được người khác hưởng.
Rõ ràng nếu muốn bình ổn thì các khách hàng tiêu thụ xăng tự lập quĩ để mình tự bình ổn sẽ tốt hơn. Cách này vừa đơn giản, vừa đúng qui luật thị trường, ngoài ra còn làm giảm bộ phận ăn theo (thu quĩ, xả quỹ, quản lý, thanh tra,….), vừa hạn chế tất cả các nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm. Chưa kể là sẽ làm nhẹ gánh cho công tác chống buôn lậu xăng dầu. Một cách tốt cho dân cho nước như vậy tại sao không làm?
6. Giải pháp cho vấn đề
Cái sự bình ổn giá là một trò vừa chống lại qui luật thị trường, vừa làm méo mó tín hiệu giá cả-lợi nhuận, đẩy nền kinh tế vào trạng thái hoạt động như một người mù; vừa nuôi bộ phận ăn theo vô ích, vừa tạo ra nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm,….Rõ ràng là không có lợi đủ điều nhưng tại sao nó lại được thực hiện?
Nguyên nhân đến từ hai lý do căn bản.
Thứ nhất là sự thiếu hiểu biết về kinh tế thị trường của dân chúng. Chính sự thiếu hiểu biết này đã tiếp tay cho chính phủ thực hiện những can thiệp phi thị trường, bên ngoài có vẻ là làm lợi cho dân cho nước nhưng thực ra cái hại ngầm là ghê gớm ít ai thấy. Chúng ta cần thông tin cho dân chúng hiểu về cơ chế thị trường thấu đáo, có hiểu biết người dân mới lên tiếng ủng hộ cái đúng.
Thứ hai là động cơ lợi ích của những người thực hiện việc này. Hãy xem họ lợi gì trong việc này để hiểu vì sao họ cứ khăng khăng làm một việc vô bổ cho nền kinh tế đến thế. Đây là một vấn đề nan giải vì quyền và tiền luôn đi đôi với nhau như cặp tình nhân hoàn hảo. Hiện nay VN nó là một căn bệnh nan y đến từ lỗi hệ thống. Trong cái hệ thống này không bao giờ có sự thay đổi đến từ sự khai sáng chân lý. Ăn cây nào, rào cây đó là lẽ đương nhiên. Trước đây có rất nhiều bài viết từ các chuyên gia kinh tế phân tích sắc sảo các hệ quả xấu của quĩ bình ổn giá, thậm chí là kiến nghị xóa bỏ cơ chế bình ổn giá nhưng rồi mọi việc đâu lại vào đó.
Để giải quyết dứt điểm vấn đề trên, chúng ta cần phải kiên quyết tranh đấu. Chúng ta cần phải vận động đủ một lực lượng quan tâm để trình lên quốc hội ban hành luật giải tán quĩ bình ổn giá. Chỉ có như vậy vấn đề mới được giải quyết. Cãi nhau mà không ban hành luật thì cũng như không mà thôi.
Nguyễn Văn Thạnh
Thông tin tham khảo:

1 nhận xét:

  1. chỉ cần ví dụ ngắn là "Ví dụ khi xăng dầu giá cao, tôi dùng nhiều xăng dầu là gửi tiền bình ổn nhiều, khi giá giảm vì một lý do nào đó tôi lại mua ít xăng dầu, điều này có nghĩa là tiền bình ổn của tôi được người khác hưởng." cũng đủ cho mọi người hiểu được cái bất công & phi lý của Quỹ bình ổn, với người ít học, càng ngắn càng dễ hiểu & dễ đi vào lòng người. Từ đó, họ sẽ có hành động phù hơp

    Trả lờiXóa