Qui trình tiêu tiền nhà nước (OPM) |
Như các bạn thấy, nền kinh tế
hiện nay làm ăn không dễ. Bạn phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới làm ra được lợi
nhuận. Bạn phải quản trị sản xuất tốt, phải tìm kiếm khách hàng, thỏa mãn nhu
cầu của họ thì may ra mới có đồng lời.
Trong
nền kinh tế thị trường, ngân hàng cũng vậy. Đầu vào của ngân hàng là vay tiền
nhàn rỗi trong dân, đầu ra là cho khách hàng có khả năng làm ăn hiệu quả vay.
Vai trò của ngân hàng trong nền kinh tế quan trọng như một quả tim trong cơ thể.
Nó làm nhiệm vụ hút máu và bơm máu đi nuôi cơ thể. Nếu các khách hàng vay tiền
làm ăn hiệu quả thì đồng tiền sẽ giữ giá, nếu khách hàng phá sản thì ngân hàng
sẽ mất vốn. Khi khách hàng là các doanh nghiệp nhà nước như Vinashine,
vinaline,…làm mất vốn lớn nhưng được chính phủ cứu trợ bằng cách bơm tiền cứu
thanh khoản thì đồng tiền đó không có giá trị vật chất trong xã hội nên gây ra lạm
phát. Khi lạm phát thì lãi suất huy động tiền phải cao, vì nếu thấp hơn mức lạm
phát thì người dân không gửi tiền (họ mua vàng, đôla, đất để tích trữ). Khi huy
động cao thì tất yếu cho vay ra lãi suất phải cao.
Lãi suất cao sẽ làm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN)-doanh nghiệp tư nhân-phá sản, đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp đóng cửa thì nhu cầu vay vốn sụp giảm, dẫn đến vốn sẽ ế và tồn đọng trong ngân hàng. Lúc này buộc ngân hàng phải hạ lãi suất huy động và cho vay ra với mức lãi suất thấp. Đó là qui luật kinh tế thị trường chi phối ngân hàng và doanh nghiệp.
Lẽ
ra sau khi huy động và cho vay lãi suất thấp, các ngân hàng phải tìm các DNVVN
có khả năng làm ăn tốt cho vay để vực lại nền kinh tế. Tuy nhiên, ngân hàng đã
không làm như vậy mà dồn dòng máu quí giá này cho chính phủ vay bằng cách mua
trái phiếu chính phủ.
Với
lãi suất huy động hiện nay là 7,5%/năm, mua
trái phiếu chính phủ lãi suất 9.7%, các ngân hàng chỉ việc ngồi rung đùi hưởng
lãi. Khách hàng chính phủ vay với số tiền lớn khủng khiếp là vài chục ngàn tỷ đến trăm ngàn tỷ,
ngân hàng không cần nhọc công kiểm tra tính khả thi dự án và cũng không lo sợ mất vốn vì phá sản. Nếu không thu đủ thuế thì chính phủ sẽ in tiền để trả.
Kinh nghiệm và lý thuyết cho thấy một điều là tiêu tiền của
người khác (TS Alan nói nhiều về cách thức tiêu tiền OPM) luôn lãng phí và kéo
theo nhiều hệ lụy xấu như tham nhũng, móc ngoặc, lợi ích nhóm-những cái này là
tất yếu không thể tránh được trừ khi loài người tất cả là thánh thần.
Khi có tiền từ bán trái phiếu, chính phủ sẽ bơm tiền huy động
được qua các dự án trời ơi như câu chuyện chi 49 tỷ để đi tháo dỡ 17km
giải phân cách, hay xây những cây cầu nghìn tỷ vẽ rắn thêm chân, tính hữu dụng
không cao. Nhiều dự án chi nghìn tỷ nhưng thực làm vài trăm tỷ, còn lại là ăn
chia nhau từ trên xuống dưới. Rất nhiều dự án trăm tỷ, nghìn tỷ xây xong bỏ
hoang hay xuống cấp mà báo chí đưa tin là hệ quả tất yếu từ kiểu tiêu tiền này.
Các ông chủ ngân hàng thừa biết là chỉ có tư nhân mới làm ra giá
trị để giữ giá đồng tiền, còn nhà nước chi tiêu vô tội vạ sau đó không thu hồi
được vốn sẽ phải in tiền ra trả. Đồng tiền nhận lại là những đồng tiền
"ma" bị lạm phát bào mòn đáng kể. Giới ngân hàng biết nhưng họ vẫn
làm vì khỏe khoắn, nằm ngủ hưởng lợi. Không loại trừ khả năng họ phải làm vì đó
là nhiệm vụ. Hiện nay thị phần ngân hàng quốc doanh rất lớn trong giới ngân
hàng. Lãnh đạo ngân hàng quốc doanh thì tất yếu phải nghe lệnh chính phủ.
Chúng ta biết, trái phiếu chính phủ là một tên gọi khác của từ
công trái. Công trái chính phủ là nỗi ám ảnh khủng khiếp của người dân vì tính
mất giá của nó. (Năm 1985 dù đói ăn vàng mắt nhưng ba má tôi phải bỏ ra 1.000đ
để mua công trái. 1000 đ lúc đó có giá trị 100kg thóc, sau này nếu đi nhận thì
cả vốn lẫn lãi không đủ mua càrem cho cả nhà ăn một bữa. Tôi gọi đây là sự lừa
đảo). Vì mất giá quá nhanh nên hiện nay người dân đã có kinh nghiệm xương máu
là không
mua công trái nữa. Nhiều lần chính phủ phát hành công trái (trái phiếu
chính phủ) đã bị ế trầm trọng- không một người dân nào còn tỉnh táo mà bỏ tiền mua
nó.
Tuy nhiên chính phủ đã có cách khác để có thể bán được công trái.
Chính phủ dùng ngân hàng như một bình phong. Hiện nay giới ngân hàng không làm tròn
nhiệm vụ một quả tim bơm tín dụng cho nền kinh tế mà có xu hướng làm đại lý thu
gom tiền dân rồi mua công trái chính phủ.
Với qui trình làm ăn này, ngân hàng vừa nhàn hạ, vừa có lợi
nhuận cao trong khi dân là người thiệt đủ đường-vừa mất vốn do lạm phát, vừa
oằn lưng đóng thuế để gánh lãi suất trái phiếu chính phủ.
Có thể gọi đây là một
nghệ thuật người bóc lột người đỉnh cao.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Nguyễn Văn Thạnh
http://www.vietnamplus.vn/Home/Ha-Noi-Dau-thau-7000-ty-dong-trai-phieu-Chinh-Phu/20133/189910.vnplus
Cập nhập thông tin ngân hàng mua trái phiếu chính phủ:
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/dau-tu/2013/03/trai-phieu-viet-nam-nong-nhat-dong-a/
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/chung-khoan/2013/04/50-000-ty-dong-tu-ngan-hang-do-vao-trai-phieu-chinh-phu/
http://ebank.vnexpress.net/gl/ebank/tin-tuc/2012/11/ngan-hang-chiem-gan-90-thi-truong-trai-phieu/
Cập nhập thông tin ngân hàng mua trái phiếu chính phủ:
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/dau-tu/2013/03/trai-phieu-viet-nam-nong-nhat-dong-a/
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/chung-khoan/2013/04/50-000-ty-dong-tu-ngan-hang-do-vao-trai-phieu-chinh-phu/
http://ebank.vnexpress.net/gl/ebank/tin-tuc/2012/11/ngan-hang-chiem-gan-90-thi-truong-trai-phieu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét