Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

MIỄN PHÍ-MỘT CÁI BẪY NGUY HIỂM

1. Vui mừng từ miễn phí:
Miễn phí từ nhà nước, có nên vui? (khác tư nhân miễn phí)
Tin cho hay "ngày 2/11/2012, Sở Thông tin truyền thông và BQL dự án phát triển CNTT và TT TP Đà Nẵng chính thức triển khai xây dựng hệ thống kết nối không dây (wifi) trên toàn TP". Theo đó, mạng wifi được đầu tư 1 triệu USD giai đoạn đầu. Như vậy, sau TP Hội An và Hạ Long, Đà Nẵng trở thành thành phố thứ 3 tại Việt Nam phủ sóng wifi công cộng khắp thành phố.
Hẳn bản tin trên sẽ làm nức lòng nhiều người. Người dân không chỉ của TP Đà Nẵng mà cả nước lại được dịp hoan nghênh lãnh đạo Tp Đà Nẵng. Hơn thế nữa họ mong sao tất cả các thành phố khác trong cả nước nên noi gương hành động vì dân của ba thành phố trên. Nếu có đề xuất nên phủ sóng wifi miễn phí cả đất nước để phục vụ nhân dân, để phục vụ phát triển kinh tế, để thể hiện là một chính quyền vì dân,….hẳn sẽ được tung hô và thu được nhiều phiếu bầu.
Không một ai mảy may nghĩ rằng mình đang ủng hộ một điều tồi tệ cho đất nước, có thể có nhiều người đang dấn thân đấu tranh cho dân chủ, mơ một ngày nạn toàn trị bị xóa bỏ trên đất nước cũng nằm trong số đó. Hãy xem tiếp để biết điều tồi tệ gì theo sau mỹ từ “miễn phí”.
2. Bài học miễn phí từ Triều Tiên:
Người nghèo khó thường có tâm lý mang ơn lãnh tụ "miễn phí".
Khi chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il chết, cả thế giới chứng kiến một thảm cảnh lạ đời của toàn dân Triều Tiên khóc thương lãnh tụ. Cả đám đông đàn ông, đàn bà, con gái, thanh niên,….đổ ra quảng trường trong lạnh giá khóc như mưa, lăn lộn gào thét còn hơn cha mẹ chết. Không ai hiểu nổi tại sao người Triều Tiên lại khóc thảm thiết đến thế cho kẻ mà cả thế giới đều khinh bỉ vì độc tài, cha truyền con nối. Ông ta đầy đọa nhân dân mình trong đói rét nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm quyền lãnh đạo tuyệt đối cho gia đình mình, truyền được ngôi báu cho con. Ở đất nước này mọi phương thức truyền tin tự do: báo chí, điện thoại, internet đều bị cấm tuyệt. Người dân chỉ có thể xem và nghe những gì nhà cầm quyền muốn. Tất cả những việc làm đó nhằm bảo đảm một điều rằng người dân chỉ biết sự vĩ đại, công ơn trời bể, lãnh đạo thiên tài, sáng suốt của cha con, ông cháu nhà Kim. Nhà họ Kim truyền ngôi ba đời, ai cũng béo tốt trong khi dân chúng gầy nheo, thậm chí có đến 2 triệu người chết đói, phải thương xuyên xin viện trợ của thế giới.
Nhiều người cho rằng họ khóc vì bị ép buộc. Với khẩu AK dí vào đầu và sổ gạo sau lưng, người dân Triều Tiên không có sự lựa chọn nào khác, họ buộc phải khóc như cha chết thì cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên con người ta khó thể khóc thật khi không có tình cảm mãnh liệt, điều mà dường như người Triều Tiên có thừa cho màn khóc man dại của mình.
Kiến giải nghịch lý trên, cựu đại tá Bùi Tín, đồng môn CS với người Triều Tiên, có dịp sống và làm việc ở đó cho ta biết bí mật sau: "Phụ nữ Bắc Triều Tiên ở bất cứ đâu khi có mang đến tháng thứ 8 là đại diện chính quyền địa phương, cấp khu phố hay quận, huyện đến thăm tại nhà, làm lễ trao tặng thư và quà của «Lãnh tụ Vĩ đại» gồm có một thùng tã lót, khăn bông, nôi bằng mây hay nhựa, với lời chúc mẹ tròn con vuông. Tất cả đều miễn phí.
Đến tuổi nhập học, trước buổi học vỡ lòng đầu tiên khi nhập trường, cũng như mỗi lần khai giảng, đều làm lễ đón nhận quà khai giảng của «Lãnh tụ Vĩ đại», gồm có bút, sách vở, cặp sách và 2 bộ đồng phục bằng vải tốt, lụa màu cho mỗi học sinh và sinh viên. Tất cả đều miễn phí.
Khi vào đội Thiếu niên và vào Đoàn Thanh niên Kim Il Sung, các em đều tham dự lễ đón nhận khăn quàng xanh và đỏ do «Lãnh tụ Vĩ đại» ban tặng".  Tất cả đều miễn phí.
Phần đông người Triều Tiên không biết rằng lãnh tụ chẳng làm gì có những thứ ấy để ban tặng, cái ông ta ban tặng cũng là cái lấy từ nhân dân mà thôi.
Rõ ràng những món quà lặt vặt như trên, người anh em của họ bên kia giới tuyến- Hàn Quốc- thừa sức mua đủ và còn nhiều hơn thế bằng sức lao động của họ chứ chẳng cần lãnh tụ ban tặng.
3. Bài học miễn phí đau thương của người Việt Nam:
Ai còn nhớ nỗi khổ miễn phí-giá rẻ này?
Thời bao cấp là thời mà người dân nhận sự miễn phí nhiều nhất: giáo dục đến cấp đại học, y tế, nhà ở,…miễn phí; nhu yếu phẩm từ cửa hàng mậu dịch quốc doanh giá rẻ (một dạng của miễn phí).
Miễn phí vậy nhưng người Việt Nam thời gian đó được cho là giai đoạn đói kém và nhục nhã nhất trong lịch sử của mình. Người dân không có một chút tự do nào, mọi người đều phải nhìn vào vẻ mặt vui buồn của người cầm quyền để biết làm gì cho phải đạo. Bất cứ một ai chỉ cần tỏ thái độ bất mãn với chính quyền xem như cả nhà chết đói: phiếu gạo cắt, không mua được cái gì, không ai thuê mướn mình làm việc. Tất cả những điều kinh hoàng đó không có luật nào qui định, chỉ cần một lời chỉ đạo miệng từ ai đó trên cao (Số phận luật gia Nguyễn Mạnh Tường và gia đình ông Vũ Đình Huỳnh-Vũ Thư Hiên là minh chứng sống động cho nhận định trên).
Và một điều quan trọng nữa là: không vì nhà nước bao cấp, cung cấp các nhu yếu phẩm: thực phẩm, giao thông, nhà ở, y tế,....giá rẻ hay miễn phí mà người dân sung túc, giàu có.
4. Ẩn họa của wifi miễn phí:
Quay lại với bản tin wifi miễn phí ở trên. Điều gì sẽ xảy ra khi chính quyền dùng tiền ngân sách (tiền nhân dân) xây dựng hệ thống wifi miễn phí, triệt tiêu hết các công ty, nhà nước độc quyền cung cấp internet? Họ có động lực để làm việc trên lắm chứ. Họ có lý do để tiêu tiền dân với phần trăm hoa hồng hậu hĩnh, được người dân tung hô (người cầm quyền có thể đưa ra nhiều lý do mùi mẫm như: tạo cơ hội truy cập tri thức cho người nghèo, chiếc xe tải miễn phí mang kinh tế tri thức đến cho tất cả, giúp người nghèo tiếp cận với văn minh, hành trang thúc đẩy đất nước phát triển nền kinh tế trí thức,…) và cuối cùng là củng cố nền thống trị của mình. Hãy tưởng tượng một khi mà nhà cầm quyền hoàn toàn thâu tóm mạng internet thông qua cung cấp miễn phí: họ có thể kiểm duyệt, ngăn chặn tất cả mọi cách thức truyền tin không có lợi cho họ hoặc đơn giản là làm cho mạng chập chờn không truy cập được khi tình hình tranh đấu đang nóng bỏng. (Hiện nay nhiều công ty cả công và tư cạnh tranh để cung cấp dịch vụ internet nên người dân hưởng lợi. Sự cạnh tranh này làm cho nhà cầm quyền muốn can thiệp sâu cũng khó, bỡi lẽ chiều chính quyền thì mất khách hàng).
Với chế độ độc tài toàn trị, người dân chỉ có vũ khí duy nhất là mạng internet. Chúng ta phải dứt khoát giữ lấy nó.
5. Tránh xa miễn phí để thăng tiến nền dân chủ:
Rất nhiều người dấn thân cho dân chủ đã dũng cảm tấn công vào bức tường thành kiên cố: đa nguyên, đa đảng, bầu cử tự do, báo chí tự do, xóa bỏ điều 4 hiến pháp,....toàn những điều mà ĐCS cố thủ bằng mọi giá, thậm chí là tử thủ (bỏ điều 4 là tự sát-lời ông Nguyễn Minh Triết). Sự dũng cảm của họ có thừa nhưng tại sao thành công vẫn chưa đến? Rất ít người biết rằng tất cả những cái họ thấy, họ đấu tranh chỉ là cái ngọn của quyền lực độc tài toàn trị, cái gốc chính là mạch máu kinh tế nuôi nó. Mạch máu này được dẫn nguồn từ kinh tế nhà nước, từ sự miễn phí hoặc giá rẻ mà nhà nước ban phát cho người dân. Nên nhớ một đồng tiền do nhà nước chi tiêu đều kéo theo những điều tồi tệ mà chúng ta đang ra sức chống: lãng phí, tham nhũng, quan liêu, nuôi dưỡng độc tài-lợi ích nhóm,....
Ít người đấu tranh cho dân chủ thấy là khi kinh tế tư nhân được thừa nhận, hệ thông bao cấp: cửa hàng mẫu dịch, chế độ tem phiếu đi vào viện bảo tàng thì người dân đã giành được một phần tự do. Không ai phải sợ chết đói vì không mua được gạo nữa, tiếng nói phản kháng vì vậy mà mạnh mẽ hơn.
Tự do chỉ có thể đạt được và củng cố khi người dân nắm kinh tế. Chiến đấu để củng cố nền kinh tế tư nhân cũng là chiến đấu cho tự do. Thay vì húc đầu vào quả đấm của nền độc tài, hãy chặn đứng dòng máu nuôi dưỡng nó. Việc này khả thi hơn nhiều.
Chúng ta ủng hộ sự miễn phí là chúng ta phá hỏng nền tảng của tự do kinh tế! Không có tự do kinh tế thì không có dân chủ!
Nguyễn Văn Thạnh
Bài viết được hoàn thành ngày 10/11/2012, xuất bản nhân đọc bài
(Lúc đó tôi không dám xuất bản vì hành động chọc tay vào miếng ăn của người khác là rất nguy hiểm, trong khi tôi đang ở Đà Nẵng).

1 nhận xét:

  1. vàng là loại hàng hóa mà nền độc tài ghét nhất, vì nó làm phá sản mọi chính sách kinh tế của chúng. nó làm cho đồng tiền k lưu thông, hàng hóa tồn kho tăng, thuế thu được giảm ...

    Trả lờiXóa